Nữ tướng Lê Thị Hoa công chúa ( 黎氏華) là người làng Giềng, thôn Thượng Linh: nguồn gốc lịch sử về bà!

Chia sẻ thông tin này

Nàng Hoa hay Lê Thị Hoa (chữ Hán: 黎氏華; 2 TCN – 41) là một nữ tướng thời Hai Bà Trưng, khởi nghĩa tại vùng Nga Sơn (Thanh Hóa). Hiện có nhiều nơi trên cả nước lập đền thờ Bà, nhiều tên đường được đặt là Lê Thị Hoa ở nhiều tỉnh thành của Việt Nam. Vậy nữ tướng Lê Thị Hoa công chúa là người sinh ra ở đâu?

Theo Wikipedia

Theo thần phả đã có sự sửa đổi, Lê Thị Hoa sinh ngày 15 tháng 11 năm Kỷ Mùi (2 TCN), con gái ông Lê Thái và bà Dương Thị Tạo ở thôn Thượng Linh, xã Cảo Linh, huyện Thiên Bản, phủ Nghĩa Hưng, đạo Nam Sơn (nay là thôn Thượng Linh (làng Giềng), xã Đại Thắng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Tương truyền lúc mới sinh ra bà có khuôn mặt trắng như trứng gà bóc và nụ cười như hoa nên được đặt tên là Lê Thị Hoa. Năm 18 tuổi bà kết hôn cùng ông Mai Tiến (19 tuổi) người cùng huyện là người văn võ toàn tài.

Bà cùng ông Mai Tiến sinh được 3 người con là Mai Đạt (sinh năm Mậu Dần 18), Mai Thỏa (sinh năm Canh Thìn 20), Mai An (sinh năm Nhâm Ngọ 22). Sau đó cả gia đình chuyển sang huyện Gia Lâm khi ông Mai Tiến ra làm quan huyện. Ở Gia Lâm bà sinh hạ thêm người con thứ tư là Mai Trí (năm Ất Dậu 25).

Năm 34 nhà Đông Hán cử Tô Định sang làm Thái thú ở Giao Chỉ. Tô Định là một viên thái thú vô cùng tàn bạo, một mặt vơ vét của cải của dân Giao Chỉ, một mặt thẳng tay đàn áp những người chống đối ách Bắc thuộc. Bấy giờ lòng căm phẫn của các tầng lớp nhân dân Giao Chỉ đối với ách thống trị tàn bạo của nhà Đông Hán ngày một dâng cao, chỉ chờ có cơ hội là giáng bão lửa xuống bè lũ xâm lược.

Mai Tiến làm quan hết sức thanh liêm, thương dân như con nên được nhân dân tôn kính, song điều đó lại trái với chính sách cai trị của phong kiến đô hộ phương Bắc. Đây là nguyên nhân khiến ông bị Thái thú Tô Định một kẻ tàn bạo và háo sắc âm mưu hãm hại, bắt giết vào năm Bính Tuất. Ngay trong đêm đó bà Lê Thị Hoa đã cùng 4 người con và những người thân tín rời khỏi huyện Gia Lâm tới thôn Thượng Linh (làng Giềng), xã Đại Thắng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định (quê ngoại của bà) với lòng quyết tâm trả thù cho chồng. Tại đây bà chiêu mộ nghĩa sĩ chống lại Tô Định, nhưng do lực lượng còn mỏng nên phải rút về phủ Trường An lấy vùng đất Yên Nội (nay thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) là nơi khởi nghiệp trả thù cho chồng và đánh đuổi quân xâm lược.

Đền làng Trung Linh nơi thờ Nữ tướng Lê Thị Hoa công chúa tại (làng Giềng) xã Đại Thắng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định 

Ở vùng đất Yên Nội, bà cùng 4 người con trai lúc đó đã trưởng thành (Mai Đạt 22 tuổi, Mai Thỏa 20 tuổi, Mai An 18 tuổi và Mai Trí 15 tuổi) tập hợp, kêu gọi nhân dân khai phá vùng đất mới và luyện tập chiến trận chuẩn bị khởi nghĩa với số quân lên đến 2000 người. Cùng thời gian này ở vùng Hát Môn – Mê Linh (nay là Vĩnh Phúc) Hai Bà Trưng đã nổi dậy khởi nghĩa chống lại Tô Định. Theo lời hiệu triệu của Trưng Nhị bà Lê Thị Hoa đã tham gia vào cuộc khởi nghĩa này. Lê Thị Hoa cùng với Lê Chân (Hải Phòng), Thánh Thiên (Bắc Giang), Phùng Thị Chính (Hà Tây), Lý Thị Ngọc Ba (Hà Tây) là những nữ tướng quan trọng dưới trướng của Hai Bà Trưng. Năm Canh Tý (40), quân khởi nghĩa đánh Tô Định thua to phải chạy về Bắc Quốc, thu giang sơn về một mối. Năm đó Trưng Vương lên ngôi vua phong tước, thưởng thực ấp cho tướng sỹ có công. Riêng nữ tướng Lê Thị Hoa từ chối nhận tước mà chỉ nhận thực ấp nhỏ ở vùng Yên Nội (Nga Sơn) và cho dân được miễn tô thuế, binh dịch trong hai năm. Lê Thị Hoa cùng các con trở lại Nga Sơn để xây dựng vùng này thành một nơi dân cư đông đúc, trù phú và bà mất vào mùa xuân năm sau (41), ngày 25 tháng 2 âm lịch.

Tấm lòng trung trinh với dân với nước và sự hy sinh anh dũng của bà Lê Thị Hoa, ngay từ thuở ấy, nhân dân Nga Sơn đã lập đền thờ bà tại xã Nga Thiện (Nga Sơn) vẫn còn đến ngày nay. Đền thờ bà có đôi câu đối:

Thệ báo Tô cừu, thanh Bắc khấu

Nghĩa phù Trưng chủ, phục Nam bang.

Nghĩa là:

Thề trả mối thù với Tô Định, trừ khử giặc Bắc

Giữ nghĩa phò Trưng Vương, khôi phục nước Nam.

Theo: Mai tộc Thủy Tổ phả lục bi

Thuỷ tổ họ Mai, bà thuỷ tổ họ Lê, ngọc phả ghi chép thuộc khôn chi bộ thứ 10 trung hạ đẳng, Quốc triều Bộ Lễ bản chính.

Xưa kia nước Việt ta gây dựng cơ đồ nước Nam cương giới phân thuộc Ngưu Đẩu. Từ triều vua Hùng mở vận, thánh tổ gây dựng cơ đồ tương truyền tất cả được 18 đời, hơn 2000 năm thịnh trị, và ấy là tổ tiên của nước Việt ta vậy. Đợi đến con cháu dư duệ nhà Hùng, đời An Dương Vương nhà Thục thời đại hưng thịnh được 50 năm thì Triệu Đà đến đánh phá nên nhà Thục bị mất. Triệu Đà cướp được đất nước, năm đời làm vương.

Từ đấy nước Việt ta thuộc vào ách đô hộ của nhà Tây Hán. Đến thời Đông Hán đời vua Quang Vũ lấy Tô Định làm Thái Thú nước Việt ta. Định là người tàn ác hại người, Lúc đó nước Việt ta phàm các bậc anh tài võ nghệ thì được thu nhận ban cho tước lộc, sau đó âm mưu giết đi, lại còn cướp bóc đốt phá giết hại sinh dân nước Việt khiến sinh dân điêu đứng.

Thời trước ấy có người cháu gái của Vua Hùng tên là Trưng Tướng quân danh xưng là Trắc cùng người em gái là Trưng Nhị, hai người muốn cất binh đến đánh. Nhưng lúc bấy giờ thao lược còn chưa tìm được người tài giỏi, hai bà bèn tích trữ binh lương, nuôi thêm gia súc, thần phong chưa tìm được người trợ giúp. Dù vậy có vua thì ắt có thần cùng dẹp loạn, rồng mây hội tụ chẳng lẽ phải đợi ngày hội rồng bay.

Trước đó ở thôn Thượng Linh, xã Cảo Linh, huyện Thiên Bản, phủ Nghĩa Hưng, đạo Sơn Nam (nay là thôn Trung Linh – làng Giềng – xã Đại Thắng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) có một gia đình họ Lê tên là Thái, vợ là Dương Thị Tạo, gia thế theo nghiệp y thuật, sinh được 2 gái, 3 trai.

Khi bà mang thai con gái đầu lòng, trước hôm đẻ bà mộng bắt được một con bạch hoa đà (tức con rắn trắng hoa), sắc lấp lánh năm màu rồi sinh ra nàng vào ngày 15 tháng 11 năm Mậu Ngọ. Lúc mới sinh thần sắc hồng hoa, da trắng như trứng gà bóc, miệng cười tươi như hoa, do vậy nhân lúc sinh mới đặt tên là Hoa.

Nữ tướng Lê Thị Hoa là một trong mười nữ tướng của lịch sử Việt Nam khiến quân giặc khiếp sợ

Năm lên 18 tuổi, có một người họ Mai cùng huyện, quê xã Phú Cốc, tên huý là Thông, là bạn bè của Lê Thái Công. Ông Mai Thông có một người con trai tên là Mai Tiến, 19 tuổi, cung ngựa giỏi giang, chữ nghĩa tinh thông. Ông Lê Thái rất mực yêu quí tài danh của Mai Tiến bèn gả nàng Hoa cho ông. Lễ đã được định, cầm sắt vận hợp duyên thông, đẹp đôi loan phượng.

Hai vợ chồng lấy nhau mới được 2 năm thì hai ông bà của cả hai bên gia đình đều mất, nàng Hoa một lòng hiếu thuận phụng thờ cha mẹ để thuận theo ý chồng, trong tộc ngoài làng không ai chê bai một lời.
Tô Định nghe tin Mai Tiến là người có tài, bèn triệu ông bộ hành đến bái yết, ban cho chức Huyện Doãn huyện Gia Lâm, ông không nhận. Tô Định nhiều lần cất công gọi mời ông phải đưa vợ cùng con đến huyện sở nhận chức. Khi nhận chức ở Gia Lâm, ông Mai Tiến một lòng thi hành ân đức, giúp đỡ nhân dân nên được nhân dân yêu mến.

Thời gian được 3 năm, Tô Định nghe tin vợ ông Mai Tiến là bà họ Lê có tư chất sắc đẹp tuyệt trần nên muốn ép làm vợ, bèn xui người tố cáo Mai Tiến làm phản, bắt Mai Tiến giết đi, rồi bắt ép nàng làm vợ.
Thời bấy giờ bà Hoa lấy ông Mai Tiến đã được 11 năm, sinh được 4 người con trai. Trưởng nam tên là Mai Đạt khi ấy 9 tuổi, trai thứ 2 là Mai Thoả 7 tuổi, trai thứ 3 là Mai An 5 tuổi, trai thứ 4 mà Mai Trí 2 tuổi. Bốn người tướng mạo khôi ngô tuấn tú, cha mẹ rất mực yêu quí. Đến lúc cha là Mai Tiến bị hại bà Lê Hoa ban đêm dẫn 4 người con trai chạy trốn về quê hương.

Thời gian được một hai năm, Tô Định tìm đòi về khẩn cấp, bà Lê Hoa than rằng: “Thà làm ma trinh phụ còn hơn làm người phụ bạc” bèn bán hết gia sản chiêu mộ người dân ở quê nội, ngoại Thượng Linh, Phú Cốc và các làng lân cận được hơn 2000 người đứng lên quyết chống lại Tô Định. Khi Lê Hoa bị thua trận bèn chạy vào đất huyện Nga Sơn, phủ Hà Trung thuộc Ái Châu lánh nạn.

Lúc đầu gặp mưa lớn, mẹ con trú mưa ở một quán cỏ cạnh đường, năm người nằm nghỉ rồi ngủ thiếp đi. Bà Hoa nằm mộng thấy một vị thần tướng đứng trước mặt mẹ con mà nói: “Nay muốn yên thì nhập cư ở Yên Nội, về sau ắt báo được thù và con được nổi rõ công danh”.

Tỉnh dậy lại chỗ con trai trưởng, lúc này con trai đã 12 tuổi học hành chữ nghĩa cùng mẹ luận giải về giấc mộng này rằng: “An Nội ắt là danh ấp ở đây”. Đợi trời tạnh mưa, mẹ con bà đi hỏi thăm, quả là trong huyện Nga Sơn có trang Yên Nội.

Mẹ con đến đấy thấy đầu trang Yên Nội có khoảng 100 mẫu đất, cây cối thật là sầm uất, ở giữa có một khu ruộng khoảng hơn 1 sào, địa thế bằng phẳng, cỏ cây thưa thớt. Mẹ con bà bèn bạt cỏ dựng nhà, thuê người khai khẩn, hơn một năm được hơn chục mẫu.

Bà mời họ Mai ở Phú Cốc, họ Lê ở Thượng Linh vào nhập cư được hơn 10 gia đình. Làng xóm lân ấp cũng đến ở nhiều, thời gian ba năm, số người đến ở hơn 10 nhà. Bà Hoa lấy điều hiếu thuận đối đãi với mọi người nên rất được mọi người mến kính.

Trong lòng bà luôn ôm mối hận Tô Định tàn nhẫn đã giết chồng bà, bà chỉ trời vạch đất thề nuôi dạy bốn người con khôn lớn trả thù cho chồng, cho cha.

Đến khi người con trai cả đã 23 tuổi, con thứ 2 đã 22 (văn bia ghi lộn ngược tuổi anh ra tuổi em), con thứ 3 đã 18, con út đã 15 tuổi. Cả bốn người con đều thông minh xuất chúng, sức lực hơn người, bà Hoa rất mực yêu mến, vui mừng.

Tới một ngày, bỗng bà bị lâm bệnh, sốt rét liên miên, thuốc thang hơn 10 ngày mà bệnh không khỏi. Bà sai các con lập đàn tế ở giữa trời, bà cố gắng gượng dậy tắm gội sạch sẽ, phục bái dưới đàn tế bái trời đất, cầu chúc rằng: “Thiếp bất hạnh, chồng nhà bị hại oan, muốn được nhìn thấy các con thiếp khôn lớn trưởng thành để báo mối thù với Tô Định, vạn lời cầu nguyện trời đất chứng giám phù độ cho tỳ thiếp sống thêm tháng ngày để được nhìn thấy bốn con trai thiếp trả được mối thù cho cha. Được như vậy thì sau này thiếp xin chết ở trước đàn”.

Cầu chúc xong bà bái phục xuống đất, mê mê sảng sảng mộng gặp một ông lão nói rằng: “Ngươi muốn sống thêm để thấy các con trả thù thì hãy lập đàn Bông Hoa, hai cây nến, tiền vàng áo mũ, dưới bày cỗ mặn, trên bày cỗ chay, cầu đảo lễ trong năm là được.

Khi bà tỉnh dậy, gọi bốn con trai lại, sắm đủ lễ nghi, lập đàn cầu đảo y như trong mộng đã gặp, quả nhiên bệnh tật bình phục. Từ đấy mẹ con cứ mỗi tháng đến ngày 25 lại lập đàn như trước, cầu khấn.
Một ngày nghe tin hai chị em họ Trưng(Trưng Trắc, Trưng Nhị) khởi binh ở cửa sông Hát Môn, huyện Phúc Lộc, phủ Quảng Oai, đạo Sơn Tây, mẹ con ý muốn đến theo nhưng không biết làm sao mà gặp được. Trưng Nhị đến chiêu dụ, cả năm mẹ con đều theo.

Bà Trưng giao cho bà Lê Hoa quản đội nữ binh và bốn người con trai đều cho nhập vào đội Tả Hữu Tiền Phong đi chiêu dụ phủ huyện đến các quan lang phụ đạo dấy cờ phục nghĩa đánh kẻ tàn bạo.

Một tuần đi chiêu dụ số người lên đến hơn 6 vạn, chia đường cùng thẳng tiến tới thành Tô Định. Đại chiến một trận, Tô Định đại bại, chạy về Bắc quốc, Bà Trưng tự lập làm vua, các chư tướng được phong tước lộc, mẹ con bà Hoa chối từ không nhận mà chỉ xin lập một khu đất ở trang Yên Nội làm một khu thượng, chuẩn miễn cho tô thuế, binh dịch.

Trưng vương đồng ý và ban cho thực ấp ở huyện Nga Sơn. Mẹ con bà bái tạ trở về khu Thượng trang An Nội khai khẩn đất đai, mở đường dựng nhà, về sau được tới hơn bốn năm mươi nhà đều tôn họ Mai là trưởng.

Tháng 2 bà Hoa bị bệnh, đến ngày 25 bốn người con trai lập đàn cầu đảo như trước, nghe thấy âm thanh tiếng người đâu đó vọng lại rằng: Số bà đã hết khấn cầu làm gì nữa, nghe xong thì bà Hoa tạ thế, lúc ấy là ngày 25 tháng 2.

Bốn người con trai bèn dâng biểu tấu lên Trưng Vương, biết tin Trưng Vương thương tiếc than rằng: Duy chỉ có Lê Thị Hoa là rất nhân từ, lại thiện lành, biết dạy con cái, bèn ban cho tên hiệu là Từ Thiện, tặng là Phu Nhân” rồi sai sứ thần chôn nơi đất tốt hành lễ an táng và cho lập miếu thờ ở trước nơi bà ở để thờ phụng bà. (Mộ ở phía Tây khu dân cư, tục gọi là… (bị đục mất chữ).

Từ đó cầu đảo thấy có linh ứng và bà là vợ của ông thuỷ tổ họ Mai, cũng là thuỷ tổ họ Mai ở khu Thượng, nhân dân cũng đều phụng thờ ở đấy.

Ô hô! Từ Thiện Phu Nhân là người có năng lực kiên trinh, thủ tiết thờ chồng, dạy dỗ con cái thành người, báo được thù cho chồng đồng thời là một người hiếu phụ vậy. Cho nên được biên thành phả lục, ghi vào sổ gấm, khiến cho đời sau, người người có thể chiêm ngưỡng.

Bà Lê Thị Hoa tên hiệu là Từ Thiện, tặng phong là Phu Nhân, họ Mai khu Thượng, trang An Nội phụng thờ.

Ngày tốt đầu đông, niên hiệu Hồng Phúc thứ 1 (1572). Hàn Lâm Viện, Đông các đại học sĩ thần Nguyễn Bính phụng soạn.

Ngày tốt cuối đông niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 2(1736) Quản giám bách thần, Tri điện Hùng Lĩnh thiếu khanh thần Nguyễn Hiền tuân sao lại theo nguyên bản chính.

Con cháu họ Mai ở thôn Ngũ Kiên, tổng Cao Vịnh, huyện Nga Sơn, (nay là Nga Thiện) phủ Hà Trung là các ông: Mai Đức Chiêu, Mai Đức Đương, Mai Văn Quí, Mai Đức Hữu… cả họ trên dưới tục ghi sự việc nguyên theo chính bản.

Sự tích Thuỷ tổ đã bị cháy mất, mọi người truyền lại không rõ ràng, vào niên hiệu Tự Đức thứ 19 (1866) có đến xã Bình Đằng, tổng Bạch Hạc, tỉnh Sơn Tây nghe vị Tú Tài nói lại về đời thế gia tiên hiển đạt của các bậc tiền nhân, thông cáo rộng rãi thôn xã nào thần thích bị thất truyền thì đến nhận lại thuận tiện ở ta.

Phả lục tổ tiên như thế, xuất chúng như thế! Ôi, tổ tiên ta bắt đầu khởi dựng từ thời Trưng Vương từ trước đến nay 1845 năm mà phả ghi chép rõ ràng như vậy, biểu dương không sót một người nào, không một việc gì được ghi trong phả thì có thể không bị mất, lãng quên… do vậy ghi chép vào để lưu truyền mãi mãi, khiến cho con cháu đời sau có thể kính trọng giữ gìn.

Ngày mồng 9 tháng 9 năm Tân Mùi niên hiệu Tự Đức thứ 24 (1871). Người trong tộc là Tú Tài Mai Trân thừa tả. Thợ đá người cùng huyện xã Yên Khoái là Mai Hữu Quyền khắc bia.
* * *
Hậu khởi nghĩa Hai Bà Trưng: Tháng 2, năm Canh Tý (40), Trưng Trắc cùng với em gái là Trưng Nhị nổi binh đánh thắng, Tô Định chạy về nước. Trưng Trắc tự lập làm vua, xưng là Trưng Nữ Vương. Ngày 30 tháng 2 năm Tân Sửu (41), nhà Hán thấy bà xưng vương bèn cho Mã Viện làm Phục Ba tướng quân, Phù Lạc hầu Lưu Long làm phó sang xâm lược. Tháng Giêng năm Nhâm Dần (42), Mã Viện tiến theo đường ven biển, san núi làm đường hơn nghìn dặm, đánh nhau với vua. Năm Quý Mão (43), Hai Bà Trưng thế cô, bị thua, đều tử trận.

Riêng mẹ con bà Lê Thị Hoa, sau khi đánh thắng Tô Định, cùng nhau trở về khu Thượng trang An Nội xây dựng lân ấp. Ngày 25 tháng 2 năm Tân Sửu, bà Hoa mất. Sau khi Mã Viện chiếm được nước Nam, cả 4 người con trai của bà Hoa phải chạy trốn sự truy đuổi của Mã Viện, 2 người con trai đầu của bà Hoa là Mai Đạt và Mai Thỏa chạy vào phía Nam (lúc đó nước ta mới chỉ đến tỉnh Hà Tĩnh ngày nay); hai người em là Mai An và Mai Trí sau khi yên hàn lại trở về Thượng trang Yên Nội.

Gia phả họ Mai ở đây cũng bị bỏ trống mất khoảng dài, nay lập được 16 đời, lấy cụ Phúc Thuận làm đời thứ 3 và coi là Tổ của họ.

Nội dung được tổng hợp, biện soạn bởi Nhà báo Xuân Thời

 
Giới thiệu
BẢN TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI HỌ ĐÀO
Bản tin Điện tử Người Họ Đào cung cấp thông tin toàn cảnh dành cho người họ Đào thôn Trung Linh, xã Đại Thắng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định đang sinh sống, học tập. lao động ở mọi miền đất nước, trong và ngoài nước. Mọi thông tin vui lòng liên hệ tại đây.

 

0 Comments

Leave a Reply

XHTML: You can use these tags: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>